[Airplane] Lockheed SR-71

(from tinhte.vn)

Lockheed SR-71 – biệt danh “chim đen” Blackbird là loại máy bay trinh sát chiến thuật tầm xa đạt tốc độ trên Mach 3 được phát triển và đưa vào sử dụng trong không quân Mỹ vào năm 1966. Đến năm 1998, những chiếc SR-71 Blackbird cuối cùng đã chính thức được cho “nghỉ hưu” và đây là một điều đáng tiếc đối với một trong những mẫu máy bay tối tân nhất và cũng là đẹp nhất từng được chế tạo. Thế nhưng, chương trình Blackbird vẫn chưa dừng lại bởi Skunk Works – một chi nhánh của Lockheed Martin và cũng là cha đẻ của Blackbird đã vừa tiết lộ rằng họ đang phát triển thế hệ tiếp theo của Blackbird với phiên bản SR-72 (Son of Blackbird). Bằng việc sử dụng thiết kế động cơ siêu âm mới kết hợp giữa động cơ turbine phản lực và động cơ phản lực dòng thẳng ramjet, Lockheed Martin cho biết phiên bản SR-72 không người lái sẽ có tốc độ nhanh gấp đôi so với người tiền nhiệm, cụ thể là Mach 6 (~ 7350,264 km/h).

SR-71 Blackbird là một trong những chiếc máy bay tuyệt vời nhất trong lịch sử hàng không. Nó được chế tạo trong cuộc Chiến tranh lạnh vào đầu những năm 1960 bởi Skunk Works – một phân xưởng bí mật của Lockheed Martin. Với phần thân bằng titanium phủ sơn đen độc đáo, SR-71 được thiết kế kế để hoạt động trinh sát với khả năng bay ở vận tốc lên đến 5400 km và có thể duy trì tốc độ siêu âm ở độ cao 24.000 m.

Blackbird bay quá nhanh và quá cao nên chiếc máy bay có thể thoát khỏi các loại tên lửa đối phương. Thật vậy, SR-71 thường bỏ xa các loại tên lửa phòng không, đánh chặn và với 32 chiếc được chế tạo thì chưa có chiếc nào bị bắn rơi. Khi bay, nhiệt tạo ra rất lớn khiến lớp vỏ titanium của SR-71 càng được tôi luyện qua thời gian.

SR-71 là chiếc máy bay có người lái nhanh nhất và bay cao nhất thế giới. Ở độ cao 25,929 m, SR-71 vẫn giữ kỷ lục tốc độ. Vào ngày 1 tháng 9 năm 1976, chiếc SR-71 Blackbird của không lực Hoa Kỳ đã bay từ New Yorrk đến London chỉ trong 1 giờ 54 phút 56,4 giây ở tốc độ khoảng Mach 3.2 (3920 km/h). Cho đến hiện tại, chưa máy bay nào có thể xô đổ kỷ lục này.

SR_71.
1 trong 32 chiếc SR-71 của không lực Hoa Kỳ.

Sau khi Chiến Tranh Lạnh kết thúc, rất nhiều chiếc SR-71 được đưa vào viện bảo tàng và tới giờ phút này, “Chim đen” vẫn lập kỷ lục. Cục thể là vào năm 1990, khi một chiếc SR-71 được chuyển đến viện bảo tàng Smithsonian ở Washington D.C, nó đã phá vỡ 4 kỷ lục tốc độ khi bay từ Los Angeles đến Cincinnati, bang Ohio.

Sau khi chương trình SR-71 kết thúc, ý tưởng về một mẫu máy bay siêu âm đã được phát động trong nhiều năm qua và giờ đây thì Lockheed Martin đang chuẩn bị chi phiên bản SR-72. Không giống như người tiền nhiệm, SR-72 sẽ là một chiếc máy bay không người lái với tốc độ Mach 6.

Mục tiêu của SR-72 không chỉ cung cấp cho Hoa Kỳ một nền tảng trinh sát siêu âm mà còn đảm nhận vai trò tấn công. Brand Leland – quản lý chương trình Hypersonics tại Lockheed Martin cho biết: “Máy bay siêu âm, được trang bị tên lửa siêu âm có thể xâm nhập không phận và tấn công gần như mọi địa điểm trên một lục địa chỉ trong vòng chưa đến 1 giờ. Tốc độ là một lợi thế để chống lại những mối đe dọa trong các thập kỷ tới. Công nghệ sẽ thay đổi những mối đe dọa, tương tự như sự thay đổi của hoạt động do thám trong chiến tranh trên không hiện nay.”

Theo Leland, một chiếc máy bay đạt tốc độ Mach 6 không chỉ khiến đối phương không kịp phản ứng mà còn là một phương pháp hiệu quả để phóng tên lửa siêu âm. Do tên lửa không cần đến bộ nạp tăng tốc để đạt vận tốc gấp 6 lần âm thanh nên chúng sẽ nhẹ hơn và cấu tạo đơn giản hơn.

SR_72_01.

Trái tim của SR-72 là hệ thống đẩy chu kỳ kết hợp Turbine-Based Combined Cycle Propulsion. Hệ thống được phát triển dựa trên kinh nghiệm của Lockheed trong việc chế tạo phương tiện trình diễn siêu âm Falcon Hypersonic Technoogy Vehicle 2 (HTV-2) với khả năng bay ở tốc độ Mach 20 (24.501 km/h). SR-72 vẫn có 2 động cơ 2 bên nhưng mỗi động cơ thực chất là 2 động cơ nhỏ bao gồm 1 động cơ phản lực turbine và 1 động cơ ramjet. Chúng dùng chung họng nạp và vòi xả để giảm lực hãm khí động.

Động cơ turbine đặt phía trên được dùng để đưa SR-72 cất cánh từ các đường băng thông thương và đạt tốc độ Mach 3. Sau đó, động cơ ramjet 2 chế độ đặt dưới sẽ chịu trách nhiệm tăng tốc cho SR-72, đưa máy bay lên tốc độ Mach 6. Điều đáng chú ý trong thiết kế này là Lockheed đã hợp tác với Aerojet Rocketdyne trong vòng 7 năm để tìm cahcs sử dụng các động cơ turbine sẵn có để tích hợp vào hệ thống phản lực siêu âm.

Trong một cuộc phỏng vấn với Aviation Week, Leland giải thích rằng việc SR-71 “nghỉ hưu” đã để lại một khoảng trống lớn trong lĩnh vực vệ tinh, phương tiện bay siêu âm có người lái và không người lái. SR-72 sẽ là nền tảng thay thế và lấp đi khoảng trống này. Chương trình SR-72 cũng chứng minh sự “ăn khớp” với các chương trình nghiên cứu về vũ khí và siêu âm của Lầu 5 góc.

Theo Leland, không có nhiều công nghệ mới cần được phát minh để chế tạo SR-72. Mẫu máy bay này sẽ được thử nghiệm vào năm 2018 và bắt đầu đi vào biên chế không lực Hoa Kỳ vào năm 2030. “Phiên bản trình diễn của SR-72 sẽ có kích thước tương đương một chiếc F-22 1 động cơ và có thể bay nhiều phút ở tốc độ Mach 6. Phiên bản hoàn thiện sẽ có kích cỡ tương đương người tiền nhiệm SR-71 với tầm bay tương tự nhưng nhanh hơn gấp đôi.